Kiểu thức Đình làng Nam Bộ

Đình Mỹ Đức (Hà Tiên)

Không như ngôi đình làng ngoài Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5-7 gian; ngôi đình Nam Bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi[1]; và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.

Ngày nay, đình thần Nam Bộ có lối kiến trúc khá đa dạng, bởi sau khi bị hư hại bởi thời gian và chiến tranh; kiểu thức truyền thống chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy đã ít nhiều thay đổi, nhưng một ngôi đình ở Nam Bộ, lần lượt từ ngoài vào trong đại để như sau:

  • Cổng đình có kiểu dáng không chừng. Cổng đẹp thì có trụ cột, trên có mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men.
  • Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng (hoàng hổ) đứng bên gộp đá lởm chởm, có một cây cổ thụ gie cành lá; hoặc cảnh long mã chở cái phù đồ, hoặc cảnh long hổ hội (cọp dưới đất ngước lên nhìn rồng đang bay ẩn trong mây nhìn xuống); cốt để biểu thị âm dương hòa hợp.
Miễu thờ Thần hổ ở đình Mỹ Phước.
  • Sân đình thường có đàn thờ Thần Nông (tức Tắc thần), có nơi lập đàn tế chung với thần Thần Đất (tức Xã thần) gọi là đàn Xã Tắc[2]. Hai bên đàn thường là các miễu thờ cọp (Chúa xứ Sơn quân), miễu thờ Hội đồng hoặc miễu thờ nữ thần (có thể là một trong các nữ thần sau: Năm Bà ngũ Hành, Chúa Xứ Nguyên Nhung, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...).
  • Ngôi đình chính thường là ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ (tức nhà vuông có 4 cột cái, một gian, hai chái), cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu "trùng thềm điệp ốc". Mái đình thường lợp ngói âm dương hoặc ngói ống kiểu Trung Quốc, ngói kiểu vảy cá (kiểu Pháp, có sau năm 1920); trên nóc thường gắn những hình sành tráng men màu như Lưỡng long tranh châu, chim phượng ngậm cuốn thư, lân mẹ dạy lân con, cá hóa long, bát tiên, ông mặt trời, bà Mặt Trăng, con nạ (một loài thủy quái theo truyền thuyết); nhằm tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng.

Bên trong mỗi đình có cách phân chia hơi khác nhau, nhưng thường là có ba gian chính:

-Vỏ ca (gian trước), dành làm nơi xây chầu và hát tuồng vào mỗi dịp lễ Kỳ yên.-Vỏ qui còn gọi vỏ cua hay nhà chầu (gian giữa), có nơi như Đình Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh), đặt bàn thờ Hội đồng ngoại[3]; có nơi như Đình Mỹ Phước (Long Xuyên, An Giang) đặt bàn thờ 18 đời vua Hùng, bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; và cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát Bội) hoặc hội họp.-Chính điện hay Chính tẩm (gian cuối), là gian được coi là mỹ thuật nhất ở đình, gồm hoành phi, câu đối, khám thờ, các bao lam và các mảng phù điêu... Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng đẹp đẽ, tinh tế. Ở gian này, đối tượng thờ chính là Thành Hoàng làng, có nơi như Đình Mỹ Phước có thờ thêm Hội đồng nội.

Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính), có thờ thêm Tả ban, Hữu Ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền... Và tùy theo diện tích đình, mà có thể có thêm:

-Nhà hậu hay nhà hội, để hương chức, ban tế tự hội họp; để dân làng qui tụ chuẩn bị lễ cúng tế.

-Nhà trù (nhà bếp) và nhà ở của ông Từ giữ đình v.v...